Cũng giống như đua xe công thức 1, UIM F1H2O World Chapionship sẽ thi đấu từ 6 – 8 chặng Grand Prix với khoảng 10 đội đua đến từ các nước, mỗi đội sẽ gồm 2 thành viên. Mỗi chặng Grand Prix sẽ được diễn ra ở các khu vực Châu Âu, Châu Á và Trung Đông. Các chặng sẽ có 3 ngày thi đấu, trong ngày đầu tiên sẽ thi đấu Qualifying dành Pole, hay còn gọi là dành vị trí xuất phát, ngày thứ 2 là đua nước rút tính điểm (Sprint Race), và ngày cuối cùng là Vòng đua chính (Final Race).
Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định 2024 (Amazing Bình Định Fest 2024), diễn ra tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định từ ngày 22 – 31/3/2024 có 02 nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách là Giải đua mô tô nước UIM – ABP Aquabike World Championship (diễn ra từ 23/3 – 24/3) và Giải đua thuyền máy UIM F1H2O World Championship (từ 29/3 – 31/3). Đến thời điểm hiện tại, Giải đua mô tô nước UIM – ABP Aquabike World Championship đã khép lại với nhiều thành công như mong đợi; riêng Giải Giải đua thuyền máy UIM F1H2O World Championship, công tác chuẩn bị đang hoàn tất và các đội tham dự đã sẵn sàng để nhập làn đua xanh này sẽ chính thức diễn ra từ ngày 29/3/2024.
Giải đua mới lại, độc đáo, hấp dẫn, chưa từng có ở Việt Nam
Thông tin về Giải đua thuyền máy UIM F1H2O World Championship sắp diễn ra, đại diện Ban tổ chức cho biết, đây là giải đua đã trải qua gần 40 năm tổ chức, đi qua hơn 30 quốc gia trên thế giới và có 300 lần tổ chức thi đấu. Tuy nhiên, với người hâm mộ thể thao Việt Nam thì Giải đua UIM F1H2O World Chapionship vẫn còn xa lạ. Do đó, trước thềm của Giải, khán giả trong nước đang rất háo hức để theo dõi những đường đua kịch tính, hấp dẫn, mới lạ với những cổ máy có tốc độ lên đến 250km/h ngay tại Đầm Thị Nại, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào ngày 29 – 31/3 tới đây.
Thông tin thêm về Giải đua độc đáo này, Ban tổ chức Giải cho hay, Giải vô địch thế giới thuyền máy Công thức 1 đang giải đua thuyền cao tốc cấp độ cao nhất trên thế giới và do đó nó có chung danh hiệu F1, tương tự như giải đua xe F1. Giải đấu do Liên đoàn thuyền máy quốc tế (Union Internationale Motonautique – UIM) tổ chức và được H2O Racing quảng bá, nên thường được gọi vắn tắt F1H2O.
Cũng giống như đua xe công thức 1, UIM F1H2O World Chapionship sẽ thi đấu từ 6 – 8 chặng Grand Prix với khoảng 10 đội đua đến từ các nước, mỗi đội sẽ gồm 2 thành viên. Mỗi chặng Grand Prix sẽ được diễn ra ở các khu vực Châu Âu, Châu Á và Trung Đông. Các chặng sẽ có 3 ngày thi đấu, trong ngày đầu tiên sẽ thi đấu Qualifying dành Pole, hay còn gọi là dành vị trí xuất phát, ngày thứ 2 là đua nước rút tính điểm (Sprint Race), và ngày cuối cùng là Vòng đua chính (Final Race).
Bắt đầu từ vòng loại
Vòng loại của Giải đua UIM F1H2O World Chapionship có tên gọi là Qualifying. Đây là một phần của giải đua F1H2O World Championship – Grand Prix, diễn ra trước mỗi chặng đua chính. Mục đích của vòng loại là để xác định thứ hạng xuất phát cho các tay đua trong chặng đua chính (Pole). Thiết bị bấm giờ hiện đại nhất sẽ ghi lại thành tích của từng thuyền. Vòng loại được chia thành ba giai đoạn: Q1, Q2 và Q3.
Trong đó, giai đoạn Q1 có sự tham gia của tất cả các tay đua. Theo đó, mỗi tay đua có thể chạy nhiều vòng bất kỳ lúc nào trong phiên 20 phút; 12 tay đua nhanh nhất sẽ tiến vào Q2; thứ hạng của những tay đua không vượt qua Q1 sẽ được xác định dựa trên thời gian họ đạt được trong Q1.
Bước sang gia đoạn Q2, 12 tay đua nhanh nhất từ Q1 sau 7 phút giải lao, thời gian sẽ được tính lại và 12 tay đua sẽ đua tiếp trong phiên 15 phút tiếp theo. Tại đây, mỗi tay đua sẽ hoàn thành bất kỳ số vòng nào mà họ muốn trong suốt 15 phút; 6 tay đua nhanh nhất sẽ tiến vào Q3. Thời gian mà những người không đủ điều kiện vào Q3 hoàn thành sẽ thể hiện vị trí xuất phát của họ.
Đến giai đoạn Q3: 6 tay đua nhanh nhất từ Q2 sẽ thi đấu trong 10 phút; thứ hạng về đích của các tay đua sẽ quyết định vị trí xuất phát của họ trong chặng đua chính.
Thể thức của Giải nêu rõ là các tay đua có thể bị phạt nếu họ dừng lại không cần thiết trên đường đua hoặc cản trở tay đua khác trong quá trình phân hạng; đồng thời họ cũng không được phép tiếp nhiên liệu trong quá trình chạy thử tính giờ.
Vòng nước rút – Spring Race
Theo Ban tổ chức Giải, mỗi đường đua của vòng thi này có kích thước khác nhau nhưng thông thường có chiều dài khoảng 2.000 mét. Mỗi đường đua có ít nhất một đoạn thẳng dài và nhiều khúc cua gấp, chủ yếu là cua trái với một hoặc hai cua phải.
Chặng nước rút mới được bổ sung vào năm 2023 để tính thành tích cá nhân của các tay đua. Các tay đua sẽ được bốc thăm để chia thành 2 chặng đấu. Người chiến thắng ở mỗi chặng sẽ được điểm quy đổi, dựa vào hệ thống tính điểm của UIM.
Vòng đua chính – Final Race
Vòng đua chính thường kéo dài khoảng 45 phút, các tay đua sẽ thi đấu theo vòng quanh một đường đua (sa hình) được đánh dấu. Thứ tự xuất phát của các tay đua đã được xác định từ vòng Qualifying.
Trải qua 30 vòng (lap), người chiến thắng được xác định là tay đua hoàn thành vòng đua chính với thời gian nhanh nhất.
Luật thi đấu
Khi tham gia đường đua của Giải đua UIM F1H2O World Chapionship, các tay đua phải sử dụng thuyền máy được thiết kế theo quy định của UIM. Tốc độ tối đa của thuyền máy là 250 km/h. Các tay đua không được phép va chạm với nhau hoặc với các chướng ngại vật trên đường đua. Nếu vi phạm luật thi đấu, các tay đua có thể bị phạt, bao gồm cả việc bị loại khỏi cuộc đua.
Điều kiện nước trong Giải đấu F1H2O
Theo các chuyên gia hàng đầu về Giải đấu F1H2O thì điều kiện nước đóng vai trò quan trọng trong kết quả của mỗi chặng đua của Giải đua này. Cụ thể, dòng chảy và gió thay đổi theo từng vòng đua, cộng với nước bắn tung tóe liên tục lên màn hình điều khiển khiến các tay đua thường phải “lái xe” trong tình trạng “mù” ở tốc độ tối đa, chỉ cách đối thủ vài inch.
Tại Giải đua lần này, Ban tổ chức Giải lưu ý các tay đua một số yếu tố quan trọng về điều kiện nước khi tham gia Giải đua F1H2O sắp diễn ra tại Đầm Thị Nại. Cụ thể, về dòng chày: Dòng chảy có thể ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ và khả năng điều khiển của thuyền, vì thế các tay đua cần phải điều chỉnh kỹ thuật lái của họ để thích ứng với dòng chảy; gió mạnh có thể tạo ra sóng lớn, khiến việc lái thuyền trở nên khó khăn và nguy hiểm; độ mặn của nước có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ thuyền; nhiệt độ nước có thể ảnh hưởng đến độ bám của lốp thuyền.
Ngoài ra, các tay đua F1H2O cũng cần có kỹ năng đặc biệt để lái thuyền trong điều kiện nước khó khăn. Trong đó, một số kỹ năng quan trọng cần lưu ý là khả năng đọc dòng chảy: Các tay đua cần phải có khả năng đọc dòng chảy và điều chỉnh kỹ thuật lái của họ để thích ứng; kiểm soát thuyền trong sóng lớn: Các tay đua cần phải có khả năng kiểm soát thuyền trong sóng lớn và giữ cho thuyền không bị lật; khởi động lại thuyền: Nếu thuyền bị lật, các tay đua cần phải có khả năng khởi động lại thuyền nhanh chóng.
Trong trường hợp bị lật úp (barrel-roll), một túi khí được trang bị bắt buộc phía trên đầu người lái sẽ tự động phồng lên khi tiếp xúc với nước. Điều này giúp buồng lái nổi trên mặt nước cho đến khi lực lượng cứu hộ đến. Trong quá trình đua, tất cả các tay đua đều có bình dưỡng khí tự động được lắp bên trong khoang lái như một tính năng an toàn bổ sung./.
Bài, ảnh: Đình Tăng.
Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản
Leave a Reply