Lịch sử Euro từ A đến Z: Otto Rehhagel viết nên câu chuyện thần thoại cùng Hy Lạp

Ở trận đấu vòng 16 đội Euro 2016 gặp Bỉ, thủ môn của Hungary là Gabor Kiraly đã thiết lập kỷ lục cầu thủ lớn tuổi nhất ra sân tại VCK Euro ở tuổi 40 và 86 ngày. Kỷ lục này hiện vẫn còn đứng vững cho tới hiện nay. Tuy nhiên, rất có thể nó sẽ bị xô đổ ở kỳ Euro 2024 khi trung vệ Pepe của Bồ Đào Nha đã ngoài 41 và vẫn nằm trong danh sách triệu tập của HLV Roberto Martinez. Về phía Kiraly, ngoài kỷ lục nêu trên, lão tướng này còn để lại dấu ấn bằng việc luôn ra sân thi đấu với chiếc quần dài rộng màu xám.

L – Leonardo Bonucci

Hậu vệ của đội tuyển Italy cùng rất nhiều người khác đồng nắm giữ kỷ lục ra sân ở 2 trận chung kết Euro. Anh đã cùng đội bóng áo thiên thanh lọt vào trận đấu cuối cùng ở các năm 2012 và 2020. Và vinh quang đã đến với Bonucci ở giải đấu cách đây 3 năm. Anh ghi bàn gỡ hòa cho người Italy trước chủ nhà Anh trong trận chung kết, trước khi anh là một trong số 3 học trò của ông Roberto Mancini thực hiện thành công lượt sút luân lưu để mang về chức vô địch Euro thứ 2 cho đất nước hình chiếc ủng.

M – Michel Platini

Nếu phải chọn ra một màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất tại các kỳ Euro, sẽ không ai vượt qua được Michel Platini ở Euro 1984. Chỉ trong kỳ Euro được tổ chức tại đất nước hình lục lăng, một mình Platini đã ghi tới 9 bàn thắng. Đáng chú ý, 9 bàn thắng đó được Platini ghi ở mọi trận đấu thuộc vòng chung kết, với nổi bật nhất là 2 cú hat-trick ở vòng bảng trước Bỉ và Nam Tư (cũ). Cho đến nay, gần 40 năm sau mùa hè 1984 đó, vẫn chưa ai phá được kỷ lục 9 bàn thắng trong duy nhất 1 giải đấu của huyền thoại người Pháp. Sự xuất sắc của Platini cũng mang về chức vô địch Euro đầu tiên trong lịch sử Les Bleus. Ở giải đấu năm đó, đội tuyển Pháp để lại ấn tượng với “khối vuông huyền ảo” gồm Jean Tigana, Alain Giresse, Luis Fernandez và đầu tàu không ngoài ai khác là cái tên Michel Platini.

N – Nga

Sau khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991, nước Nga hậu Xô-viết có lần đầu tiên đến với ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục vào năm 1996. Kể từ đó tới kỳ Euro gần nhất năm 2021, đội tuyển Nga chỉ vắng mặt duy nhất năm 2000. Những gì đẹp nhất của Nga tại Euro đến vào giải đấu năm 2008. Khi ấy, đoàn quân được dẫn dắt bởi HLV Guus Hiddink đến đất Áo – Thụy Sỹ với dàn cầu thủ chất lượng. Những cái tên như Andrey Arshavin, Yuri Zhirkov hay Roman Pavlyuchenko đều ít nhiều có dấu ấn ở làng bóng đá châu Âu dù trước hay sau giải đấu. Những chú gấu Nga đứng nhì bảng B để lọt vào tứ kết. Ở vòng đấu của 8 đội mạnh nhất, 2 bàn thắng trong hiệp phụ 2 của Torbinski và Arshavin đã tiễn ông lớn Hà Lan về nước. Tiếc rằng, tại bán kết, Nga bị đội sau đó lên ngôi vô địch là Tây Ban Nha nghiền nát với 3 bàn không gỡ. Tuy không thể đi đến trận đấu cuối cùng, thế hệ cầu thủ năm đó của nước Nga vẫn để lại rất nhiều tình cảm trong lòng người hâm mộ.

O – Otto Rehhagel

Ở Hy Lạp, Otto Rehhagel – một người Đức được gọi là “King” Otto. Đất nước của những câu chuyện thần thoại coi ông là đức vua của họ. Bởi đơn giản, chẳng ai nghĩ một đội tuyển Hy Lạp ở lần thứ 2 tham dự Euro với không một ngôi sao nào lại lên ngôi trên đất Bồ Đào Nha năm 2004 đó. Và chính Otto Rehhagel là người dẫn dắt các cầu thủ viết nên câu chuyện thần thoại có thật ấy.

Hy Lạp kết thúc vòng bảng với vị trí thứ 2 bảng A. Họ giành được 4 điểm từ chiến thắng trước chủ nhà Bồ Đào Nha ngay ngày khai mạc và sau đó là một trận hòa với Tây Ban Nha. Bước vào tứ kết, bàn thắng duy nhất của Charisteas đã loại đương kim vô địch Pháp đang trên đà hồi sinh. Tại bán kết, một Cộng hòa Séc năm đó đang thi đấu như vũ bão đã trở thành nạn nhân của thầy trò “King” Otto. Dellas là người ghi bàn thắng bạc ở phút bù giờ của hiệp phụ thứ nhất, tiễn đội tuyển của đương kim Quả bóng Vàng Pavel Nedved về nước. Hy Lạp hoàn tất giải đấu bằng lần thứ 2 đánh bại Bồ Đào Nha với tỷ số tối thiểu trong trận chung kết, để lại một thế hệ vàng của những Luis Figo, Rui Costa, Fernando Couto… bên phía chủ nhà ngậm ngùi trắng tay ở sự nghiệp quốc tế.

Có vô số người không thích hay thậm chí là chỉ trích chức vô địch năm đó của Hy Lạp là may mắn. Nhưng có lẽ phần đông bị cảm tính chi phối, bởi Hy Lạp đã thắng Pháp, CH Séc và Bồ Đào Nha – những đội tuyển được rất nhiều người yêu mến. Trên thực tế, đội tuyển Hy Lạp năm đó không có ngôi sao nhưng các cầu thủ đều đạt phong độ cao, thi đấu với chiến thuật hợp lý và trên hết là tinh thần đoàn kết mạnh mẽ. Để rồi HLV Otto Rehhagel là người thầy đã tài tình kết hợp tất cả yếu tố đó lại, mang về vinh quang cho đất nước này.

P – Panenka

Ai cũng biết cách sút phạt đền theo kiểu bấm bóng vào chính giữa khung thành được gọi là một cú “panenka”. Thuật ngữ này được gọi theo tên của người “phát minh” ra nó – cựu tiền vệ Antonin Panenka người Tiệp Khắc. Đáng nói hơn, cú panenka đầu tiên được biết đến rộng rãi lại chính là pha sút luân lưu quyết định mang về chức vô địch Euro 1976 cho Tiệp Khắc.

Ở kỳ Euro năm đó được tổ chức tại Nam Tư, Tiệp Khắc và Tây Đức là 2 đội tuyển giành quyền vào chơi chung kết. Mỗi đội đều có 2 bàn sau 120 phút, đưa trận đấu vào loạt đấu súng may rủi. Uli Hoeness – tiền đạo bên phía Tây Đức, người sau này nổi tiếng với vai trò Chủ tịch Bayern Munich, sút hỏng ở lượt 4. Và Antonin Panenka là người lãnh trách nhiệm ở lượt cuối cùng bên phía Tiệp Khắc và nếu ông thành công, chiếc cúp sẽ về với “xứ sở pha lê”. Tiền vệ khi ấy 27 tuổi sục nhẹ trái bóng vào chính giữa khung thành khiến Sepp Maier bó tay. Sau này, cú panenka còn được tái hiện thêm một số lần trong các kỳ Euro, nhưng có lẽ người thực hiện nổi tiếng nhất là Andrea Pirlo trong loạt luân lưu với Anh năm 2012.

Hoàng Điệp.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *