“Giấc mộng đêm hè” chưa có hồi kết của người Anh

William Shakespeare – nhà viết kịch đại tài người Anh nổi tiếng với những tác phẩm bi kịch kiệt xuất như “Romeo và Juliet” hay “Hamlet”. Tuy nhiên, ông còn có một vở hài kịch cũng không kém phần lừng danh. Đó là vở hài kịch có tên “A Midsummer Night’s Dream” – “Giấc mộng đêm hè”. Với “Thi sỹ của dòng sông Avon”, đó là hài kịch. Nhưng với bóng đá Anh, “Giấc mộng đêm hè” thời hiện đại lại là tấn bi kịch – một tấn bi kịch dài đằng đẵng đến mức đau khổ, ám ảnh.

Người Anh luôn vỗ ngực tự hào họ là quê hương của bóng đá hiện đại. Họ có giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất thế giới, có những câu lạc bộ giàu có nhất châu Âu. Nhưng mong ước xưng vương tại Euro vẫn chưa một lần thành hiện thực. Từ những thất bại trên sân nhà năm 1996, 2020 cho tới đêm Berlin 2024 hôm qua, “Tam Sư” đều thua theo những cách làm các cổ động viên của họ khó nuốt trôi.

Năm 1996 là thất bại tại bán kết trên sân Wembley cũ trước người Đức ở loạt đấu súng. Kẻ tội đồ là Gareth Southgate. 25 năm sau, ở Euro 2020 (nhưng lại tổ chức năm 2021), kẻ tội đồ Southgate năm nào giờ đây đã là thuyền trưởng đội tuyển quốc gia. Ông giúp các học trò của mình tiến xa hơn chính bản thân trong quá khứ khi dẫn dắt họ vào tới chung kết. Vẫn là Wembley, đó là một Wembley đã được xây mới hoành tráng hơn, hiện đại hơn. Nhưng tuyển Anh thì lại chẳng thể giữ được chiếc cúp ở lại xứ sở sương mù, khi loạt luân lưu vẫn ám ảnh Southgate. Đội bóng của ông thua Italy bởi những quyết định nhân sự khó hiểu trước khi bước vào đá penalty.

Năm nay, đội tuyển Anh thậm chí còn là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch với đội hình được định giá cao nhất giải. Đúng là các ngôi sao của Southgate đã có những màn tỏa sáng để cứu rỗi chính ông thầy này. Từ Bellingham, Saka cho tới Watkins, tất cả đều biết lên tiếng đúng lúc để góp phần đưa “Tam sư” vào chung kết. Những ai yêu mến họ đều thấy được các cầu thủ đã bản lĩnh hơn khi biết vượt qua tình cảnh khó khăn. Và họ còn hy vọng là đất Đức sẽ mang lại may mắn hơn so với sân nhà, khi vốn dĩ “bụt chùa nhà thì không thiêng”. Thêm vào đó, thống kê chỉ ra chưa có HLV nào thua 2 trận chung kết Euro liên tiếp, thì Southgate sẽ đổi được vận mà thôi.

Nhưng không, tuyển Anh lại thêm một lần thất bại. Họ vẫn chứng tỏ được bản lĩnh khi đã gỡ hòa thành công sau khi bị dẫn trước. Tuy nhiên, vẫn còn một điều bí ẩn nào đó ngăn không cho người Anh toại nguyện vô địch. Họ để Tây Ban Nha kết liễu ở phút 86, và bị đối phương cản phá bàn thắng trên vạch vôi sau đó. Điều bí ẩn kia xem ra cũng chẳng quá khó hiểu. Người Anh thiếu một chút sự tập trung trong những thời khắc then chốt, và phần nào đó là bị thần may mắn ngoảnh mặt.

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” – Southgate đã được ca tụng hết lời sau trận bán kết mà ở đó, ông đã tính toán như thần để thay người giúp Anh chiến thắng. Nhưng hôm qua, và cũng giống như ở quá khứ 3 năm trước hay 28 năm trước, ông vẫn là kẻ tội nghiệp không được số phận hậu đãi.

Vở kịch “Giấc mộng đêm hè” của Shakespeare kết thúc khi các nhân vật đều trở lại bình thường. Còn “giấc mộng đêm hè” của bóng đá Anh lại một lần nữa tan vỡ. Thực tại đau lòng bây giờ có thể cho thấy những sự thật đáng buồn. Southgate ngậm ngùi trở thành HLV đầu tiên 2 lần liên tiếp về nhì Euro.

Còn đội trưởng của ông – Harry Kane, ở tuổi 30 và sau 545 trận đấu cùng 340 bàn thắng trong sự nghiệp, cũng như đã giành hầu hết tất cả giải thưởng vua phá lưới tại mọi đấu trường anh chinh chiến, vẫn chưa thể có được danh hiệu tập thể đầu tiên. Thật phũ phàng, nhưng đó là hiện thực. Và liệu đội tuyển Anh có biết chấp nhận hiện thực đau lòng này, để vượt qua thất bại và thêm một lần nữa cố gắng biến giấc mộng đưa bóng đá trở về nhà ở mỗi mùa hè có giải đấu lớn thành sự thật hay không?

Hoàng Điệp.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *