Dấu ấn HLV Kim Sang-sik: Kế thừa và dung hòa

Dấu ấn Gen Z

Trong cuộc chạm trán đội tuyển Nga vốn vượt trội về đẳng cấp, HLV Kim Sang-sik khiến không ít người bất ngờ khi tung ra sân đội hình chính tương đối mới mẻ. Nếu như nhiều rường cột của ĐTQG như Quang Hải, Tiến Linh, Tuấn Hải hay Tuấn Anh ngồi trên băng ghế dự bị thì Văn Trường, Hai Long và Thanh Bình lại có tên trong đội hình xuất phát. Trước trận đấu với đội tuyển Nga, ba cầu thủ Gen Z (sinh năm 1997 đến 2002) này mới chỉ có tổng cộng 4 lần ra sân trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Một Gen Z khác, dày dạn kinh nghiệm hơn, cũng đá chính là Phan Tuấn Tài.

Bước sang hiệp hai, đến lượt Bùi Vĩ Hào (sinh năm 2003) được tung vào sân và gây ra không ít sóng gió cho khung thành đối phương. Quả thực có thể ví Vĩ Hào như “chú gà son” với những gì anh thể hiện. Chỉ trong ít phút có mặt trên sân, cầu thủ của Bình Dương đã có pha xoay người dứt điểm bằng chân trái ấn tượng, hai tình huống tạt bóng cắt ngang khung thành và tham gia tình huống phối hợp dẫn đến cú dứt điểm của Tuấn Hải. Vĩ Hào chính là “gà son” của tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á. Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V.League 2023/2024 đã có 3 tình huống in dấu giày vào bàn thắng ở các trận gặp Kuwait và Malaysia (2 bàn thắng và 1 tình huống đem về phạt đền). Siêu dự bị này là mẫu tiền đạo tích cực di chuyển, có khả năng phân tích và phán đoán tình huống tốt, cũng như tốc độ lẫn khả năng biến tốc ấn tượng. Cần nhấn mạnh ở đây khả năng biến tốc. Gia tốc tốt, giúp Vĩ Hào đang lững thững đi bộ chỉ trong chớp nhoáng đã ập đến ngay trước mặt đối phương. Thế nên, anh rất hợp với vai trò vào sân từ ghế dự bị.

Cách dùng Vĩ Hào hay các cầu thủ Gen Z khác cũng cho thấy HLV Kim Sang-sik vẫn kiếm tìm nhân tố mới thay vì rập khuôn cầu toàn với những cựu binh và cũng không ồ ạt cải tổ. Nói cách khác, cách dụng binh của ông Kim hôm 5.9 có sự kế thừa và dung hòa từ hai người tiền nhiệm. Đó là sơ đồ chiến thuật 3 trung vệ được xây dựng từ thời HLV Park Hang-seo, với trục xương sống là Quế Ngọc Hải, Thành Chung ở hàng hậu vệ hay Hùng Dũng tại trung tuyến. Trong khi đó, một thử nghiệm khá thú vị của HLV Kim Sang-sik là sử dụng Hoàng Đức ở vị trí “số 9 ảo” tương tự HLV Troussier. Tuy nhiên, khác với vị chiến lược gia người Pháp, ông Kim không ép Tuấn Tài thi đấu ở vị trí trung vệ lệch trái một cách khiên cưỡng mà trả cầu thủ này trở về vị trí leo biên đúng sở trường.

Hứa hẹn khởi sắc trong trận hạ màn

Trong vài năm qua, đội tuyển Việt Nam và Thái Lan thay nhau giữ ngọn cờ đầu của bóng đá Đông Nam Á. Tuy nhiên không thể phủ nhận ở thời điểm hiện tại, đội tuyển Indonesia đang có những bước phát triển thần tốc nhờ chính sách nhập tịch để tạo ra ít nhiều dấu ấn trên đấu trường châu lục. Không chỉ vậy, tuyển Việt Nam và Thái Lan đều đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ. Trong buổi họp báo ngày 6.9, HLV Ishii Masatada thừa nhận mang đến Việt Nam đội hình gồm nhiều cầu thủ mới hứa hẹn là thế hệ kế cận của Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan, Chanathip Songkrasin.

“Lần tập trung này, tôi gọi nhiều cầu thủ trẻ, có những người mới lần đầu được triệu tập. Không gọi các ngôi sao như Chanathip hay Bunmathan cũng nằm trong kế hoạch. Tôi muốn xem cầu thủ trẻ Thái Lan sẽ thi đấu như thế nào khi không có đàn anh kinh nghiệm sát cánh, dẫn dắt. Mục tiêu của tôi là màn thể hiện của toàn đội, không quan trọng đối thủ là tuyển Nga hay Việt Nam. Đội tuyển Thái Lan cũng như Việt Nam đều không thể đi tiếp vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026. Nhưng đây cũng là cơ hội để hai đội tuyển tập trung vào việc xây dựng thế hệ trẻ, chuẩn bị cho các giải đấu tương lai”, ông Masatada cho biết.

Bản thân HLV Kim Sang-sik ít nhiều cũng tìm thấy sự “đồng cảm” từ phát biểu của người đồng nghiệp. Vì vậy, có thể dự đoán rằng trận đấu trước mắt giữa hai đội sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thử nghiệm. Cụ thể, ở vị trí trấn giữ khung thành, sau trận đấu “tri ân” Đặng Văn Lâm, thủ thành mang nửa dòng máu Nga, nhiều khả năng Nguyễn Filip sẽ trở lại khung gỗ. Ở hai cánh, sau khi cặp Văn Thanh và Tuấn Tài được sử dụng trong trận gặp Nga, có thể đến lượt bộ đôi Tấn Tài và Hồng Duy được trao cơ hội. Khó đoán nhất là hàng tiền vệ và tiền đạo, do có khá nhiều trụ cột sẵn sàng đá chính.

Trước đội tuyển Nga vượt trội về mặt đẳng cấp, đội tuyển Việt Nam tỏ ra khá lép vế về thế trận (chỉ cầm bóng 41%) và chưa thể hiện được nhiều về mặt lối chơi. Có chăng hàng phòng ngự thi đấu lăn xả trong khi hàng công tạo ra vài tình huống đột biến, nhưng vẫn theo kiểu “chộp giật” hơn là triển khai tấn công một cách lớp lang. Chạm trán đối thủ ngang cơ như Thái Lan sẽ là cơ hội để thầy trò Kim Sang-sik thể hiện rõ nét hơn về mặt lối chơi. Rất có thể những cầu thủ thiên về cầm bóng và tấn công như Quang Hải, Tiến Linh, Tuấn Hải hay Tuấn Anh sẽ được trao cơ hội. 

Ngọc Trung.

Nguồn: Báo Văn Hóa.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *