Sau 20 năm, Đội tuyển Việt Nam lại thua Indonesia với đúng tỷ số 0-3 trên sân Mỹ Đình. Sau một đêm khó ngủ, tôi đã nhìn lại và thấy rõ chính cuộc đời mình sau 20 năm đó.
Tiger Cup năm 2004, lúc đó tôi là sinh viên báo chí năm thứ hai. Mặc dù chỉ học năm thứ hai, nhưng tôi đã là cộng tác viên mảng bóng đá Việt Nam của một số tờ báo lớn.
Chứng kiến trận thua 0-3 của Việt Nam năm đó, cậu sinh viên tôi bức xúc vô cùng. Tôi viết bài chỉ trích Đội tuyển, chỉ trích HLV Tavares cho hả lòng hả dạ.
Nhà báo Lê Hiển – Tổng thư ký tòa soạn báo Thể thao TP HCM – một tờ báo thể thao cực kỳ uy tín thời đó sau khi đọc bài liền Alo và đó là cú Alo mà đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ từng lời: “Sao cháu lại viết như hàng tôm hàng cá như vậy? Cháu chỉ viết cho hả cảm xúc của mình, mà quên mất văn hóa của một người viết đứng đắn. Quên luôn cả sứ mệnh đích thực của một người viết: viết để tìm hướng xây dựng mọi thứ tốt lên, chứ không phải viết để thỏa mãn bức xúc của mình”.
Thời đó chú Lê Hiển rất ưu ái tôi, gần như bài bình luận nào tôi gửi cũng được đăng, và mỗi bài đều được trả nhuận bút đặc biệt của báo là 500.000 đồng – trời ơi 500.000 đồng thời đó mua vàng được! Nhưng riêng bài bình luận viết theo kiểu “hàng tôm hàng cá” đó đã không được duyệt.
Thật ra với tính ngông nghênh, thiếu hiểu biết của một người 20 tuổi, lúc đó tôi không đồng tình với chú Lê Hiển.
Tôi còn nghĩ: tại sao tờ báo này hèn thế? Thế là tôi chuyển bài viết sang chú Vi Quang Đạo của tờ Thể thao Văn hóa. Nhưng chú Vi Quang Đạo cũng không in bài.
Khác với chú Hiển, chú Đạo im lặng không nói gì. Mãi sau này ngồi cà phê, khi nói về những bài không được in của tôi ở Thể thao Văn hóa, chú Đạo nói một câu: Cháu rất thích lý sự, và chú thấy các bài của cháu đều có góc nhìn, nhưng rất nhiều khi cháu thiếu thông tin. Cháu chỉ mới biết được cái cháu biết, qua ti vi, qua báo chí, chứ chưa biết được những cái thực sự diễn ra với người trong cuộc. Rồi chú Đạo chốt một câu:
- Người viết đích thực không nên thế!
Sau này nghĩ lại, tôi biết ơn chú Hiển, chú Đạo rất nhiều. Nhờ những bài không được hai chú duyệt in mà tôi hiểu nghề viết hơn, trưởng thành hơn.
Nhưng cũng chỉ là trưởng thành hơn so với cái thói hung hăng của một chàng trai 20 tuổi thôi, chứ vẫn chưa đạt tới mức trưởng thành như 1 người viết đích thực cần phải có.
Bằng chứng là năm 2007, tôi được giao phụ trách 2 trang bóng đá trong nước của tờ Thể thao Cuộc sống, và sau này nhìn lại tôi nhận ra mình vẫn viết hoặc duyệt đăng những bài viết tương đối hung hăng – những bài viết để thỏa mãn cảm giác hả hê của người viết, và rất thiếu tính nhân văn xây dựng.
Hiện nay, tôi vẫn giữ nguyên những tờ báo Thể thao Cuộc sống vừa để giữ những kỷ niệm một thời làm báo vừa để nhắc mình về cách thức làm nghề, cũng như cách thức sống trong đời sống.
Tối qua, sau khi chứng kiến thất bại 0-3 của ĐTVN, tôi tự hỏi và tự biết câu trả lời: nếu là 20 năm trước, cảm xúc của mình sẽ thế nào? Chữ nghĩa của mình sẽ thế nào? Chắc chắn sẽ là những màu sắc rất hung hăng.
Nhưng tối qua, tôi đã bình tĩnh nhìn vào “một giọt nước tràn ly” để vừa hình dung đến cảnh một người đàn ông trong một đêm thất bại – một trong những đêm dài nhất cuộc đời ông, vừa băn khoăn: vậy nền bóng đá sẽ phải làm gì để tiến về phía trước?
Đầu tiên hãy nói về người đàn ông ấy – Philipp Trouser. Bây giờ, khi ông đã thua, ngay cả một người không biết gì về bóng đá cũng có thể chỉ trích ông và ông phải chấp nhận, không sao khác được. Nhưng công tâm mà nói ông đã đến với BĐVN vào đúng lúc chúng ta vừa đi qua tận cùng đỉnh cao của một chu kỳ, nhiều cầu thủ hoặc đã bắt đầu đi xuống, hoặc đã cạn kiệt cảm hứng phấn đấu.
Nền bóng đá nào cũng thế – đặc biệt là những nền bóng đá nhỏ: sau chu kỳ đỉnh cao thường là chu kỳ đáy vực. Hy Lạp sau khi vô địch Euro 2004 đã thất bại ngay từ vòng bảng Euro 2008.
Hiểu được tính chu kỳ căn cốt, thời vận đó, nên cá nhân tôi rất đồng cảm với những khó khăn của Troussier và ủng hộ việc làm mới Đội tuyển của ông: làm mới từ lối chơi đến con người. Cũng đã có những điểm sáng của công cuộc làm mới này, ví dụ như trận đấu với Nhật Bản tại Asian Cup vừa qua. Đấy rõ ràng là một trận đấu “thắp lên niềm hy vọng”. Nhưng khách quan mà nói có 3 vấn đề liên quan đến sự làm mới này:
1 – Bối cảnh: Trong lúc ông đang “làm mới” thì đối thủ của chúng ta lại tiến bộ vượt trội. Indonesia với những cầu thủ nhập tịch Châu Âu đã không còn là Indonesia mà chúng ta thường xuyên đánh bại như vài năm trước. Cứ nhìn sải chân của Đình Bắc so với sải chân của những cầu thủ nhập tịch Indo là thấy rõ. Và cứ với đà này, Indo có thể sẽ là đối thủ khó chịu của Thái Lan tại AFF Cup cuối năm nay.
2 – Đặc tính chiến thuật: Troussier muốn cầu thủ Việt Nam chơi kiểm soát bóng nhưng kĩ thuật cơ bản của cầu thủ Việt Nam quả thật chưa thể chơi kiểm soát bóng. Cả một nền bóng đá, từ cấp CLB đến ĐTQG nhiều năm qua thường chơi theo kiểu rình rập, phóng bóng dài vượt tuyến, giờ muốn làm mới cũng không thể làm mới nổi.
3 – Đặc tính cá nhân: Troussier có vẻ Tây quá, và chính vì Tây quá, nên không biết cách “đắc nhân tâm” cầu thủ. Đã vậy, ông lại thường xuyên quan tâm đến mạng xã hội, ăn thua với mạng xã hội, trong khi đấy không phải là việc chính của ông.
Sau khi chớm nhận ra điều này, tôi đã chọn cách chia sẻ với một lãnh đạo cấp cao VFF. Thì ra đây cũng là điều vị lãnh đạo này cũng rất băn khoăn, và đã hơn một lần góp ý thẳng thắn với ông. Nhưng Troussier ở tuổi 69 quả thật có những điều mà trước khi đặt bút ký hợp đồng với ông, thật khó mà lường ra hết…
Dẫu sao Troussier cũng đã đi rồi, nền bóng đá của chúng ta sẽ phải trả lời 3 câu hỏi quan trọng:
1 – Về mặt triết lý: Sẽ chấm dứt việc làm mới, nâng tầng Đội tuyển để quay về triết lý phản công rình tập như cũ, hay vẫn sẽ làm mới, nhưng làm mới với một ông thầy Á Đông phù hợp với văn hóa của mình hơn?
2 – Về mặt chiến lược: Lứa cầu thủ thời ông Park Hang Seo đã qua thời đỉnh cao, lứa cầu thủ mới khá non, vậy ta sẽ xây dựng chu kỳ mới cho 3-5 năm nữa như thế nào? Nếu không thực tế, mà vẫn quen đà chiến thắng của vài năm trước để đặt lên vai tân HLV trưởng những mục tiêu viển vông, một sự đổ vỡ dây chuyền có thể sẽ diễn ra cũng chưa biết chừng.
3 – Về mặt bối cảnh: Một Thái Lan đang vào phom dưới tay thầy Nhật, một Indo đang vượt trội với những đôi chân cầu thủ nhập tịch sẽ khiến khí quyển bóng đá Đông Nam Á trở nên rất khác. Chúng ta tính toán thế nào, và thích ứng thế nào với khí quyển mới, hay vẫn giữ nguyên cái nhìn của 2018 – thời điểm chúng ta vô địch?
Trả lời chính xác 3 câu hỏi này sẽ giúp chúng ta dần dần hồi sinh. Bản chất của cuộc sống suy cho cùng vẫn phải tiến về phía trước bằng cả tâm và tuệ.
Với cá nhân mình, sau 20 năm, tôi cũng đã tự thấy mình đối diện với hai trận thua 0-3 bằng hai tâm thức hoàn toàn khác.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại.
Leave a Reply